Cuối tháng 10, Phạm Ngọc Sơn sẽ tốt nghiệp thủ khoa Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu là một trong những thủ khoa xuất sắc được thành phố Hà Nội xét chọn tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phạm Ngọc Sơn - Thủ khoa tốt nghiệp Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023. |
Trước khi tốt nghiệp, nam sinh đã có gần một năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí Data analyst (Phân tích dữ liệu) tại một ngân hàng lớn. Cậu đạt điểm trung bình học tập 3.87/4.0, có nhiều học kỳ đạt học bổng khuyến khích học tập loại A (cao nhất) cùng học bổng do doanh nghiệp tài trợ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vũ Khuyên, chủ nhiệm lớp K64 Tài chính – Ngân hàng, cho biết Sơn là lớp trưởng, phó Bí thư Chi đoàn và chủ nhiệm CLB Kế toán Tài chính trực thuộc Viện Kinh tế và Quản lý nhiệm kỳ 2021-2022.
Trong quá trình học, Sơn còn tham gia nghiên cứu khoa học và giành được giải thưởng cao, từng tham gia thuyết trình tại Hội thảo khoa học quốc tế ICECH 2022.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, chàng trai 22 tuổi cho biết danh hiệu thủ khoa chưa bao giờ là mục tiêu hay đích đến. Với cậu, đó là dấu ấn đáng nhớ cho quá trình phấn đấu và rèn luyện không ngừng nghỉ suốt bốn năm học.
Sơn là cựu học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo, ngôi trường huyện nổi tiếng giàu thành tích ở thành phố Cảng Hải Phòng. Cậu đặt tất cả nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội và trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành Tài chính – Ngân hàng. Theo cậu, môi trường có nhiều bạn giỏi ở Bách Khoa phù hợp với tính cách thích thử thách của bản thân.
Tiến sĩ Vũ Khuyên nhớ ấn tượng đầu tiên về Sơn là cậu sinh viên có vóc dáng nhỏ bé nhưng nhiệt tình lăn xả trong trò chơi team building tại sự kiện Chào tân sinh viên. Sơn xung phong và được các bạn cùng lớp ủng hộ làm lớp trưởng. Cô Khuyên nhận xét học trò “nhiệt huyết, có khả năng tổ chức tốt, có tinh thần cầu thị rất đáng khen ngợi”.
Sơn (áo xanh dương) trong nhiệm kỳ là Chủ nhiệm CLB Kế toán Tài chính (SAFC). |
Tân thủ khoa cho biết, cậu không có phương pháp cụ thể mà chủ yếu tập trung xây dựng một số nguyên tắc nhất định. Trong việc học, cậu xác định rõ tư tưởng: “Học cho mình, học để ấm vào thân mình”.
“Mình chỉ đơn giản cố gắng qua từng môn, cải thiện thành tích qua từng năm. ‘Do my best’ là kim chỉ nam giúp mình vượt lên sau những lần tưởng như kiệt sức”, cậu nói. Đặc biệt, cách học của cậu khoa học, rõ ràng và biết tận dụng nhiều công cụ bổ trợ hữu ích.
Sơn chia sẻ, một số bằng chứng y học liên quan đến thành vỏ não đã chứng minh khi càng tập trung, chúng ta càng dễ đạt được mục tiêu. Theo đó, khi nghe thầy cô giảng bài, cậu thường nhanh chóng tốc ký các nội dung quan trọng. Mỗi khi ôn tập, để tập trung tối đa, cậu đặt điện thoại ở chế độ im lặng và sử dụng pomodoro - phương pháp phân chia thời gian học tập xen lẫn nghỉ ngơi.
Hiểu được mô hình đường cong lãng quên, cậu luôn duy trì sự luyện tập đều đặn. Cụ thể, 100% kiến thức bạn học được vào thứ hai, bạn chỉ nhớ được 5% vào ngày thứ bảy của tuần đó. Sơn cho rằng cách tốt nhất là học gối đầu kiến thức. Điều này còn giúp cậu nhớ kiến thức lâu hơn và áp dụng vào thực tế tốt hơn. Cách học này cũng giảm bớt tình trạng nhồi nhét kiến thức trước kỳ thi, còn sau khi ra khỏi phòng thi lại quên sạch.
Để không bị trễ lịch nộp bài tập hay công việc, cậu sử dụng các công cụ như Outlook Calendar hoặc Google Calendar để nhắc nhở. Trong giai đoạn ôn thi, cậu xóa hết các ứng dụng giải trí, mạng xã hội trong điện thoại để không bị xao nhãng.
Đối với các môn đại cương, ngoài các điều trên, Sơn thường cùng các bạn học nhóm để giải đề thi và chấm chéo cho quen dạng bài. Đối với các môn chuyên ngành, cậu ghi nhớ bằng cách thử áp dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các trường hợp thực tế (case-study).
Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Thay vì cày ngày cày đêm trong thời gian thi cuối kỳ, Sơn luôn ăn uống đầy đủ chất và ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe. Nhờ đó, cậu có thể vững vàng “chiến đấu” với những đợt thi tới 10 môn trong 2-3 tuần.
Sơn trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. |
Sơn chọn cách không đi làm thêm thời sinh viên. “Mình đều khuyên các em khoá dưới chỉ nên đi làm thêm nếu hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Hãy tập trung tối đa cho việc học ở hai năm đầu tiên, bởi đây là giai đoạn xây dựng nền tảng cho các kiến thức chuyên môn về sau”, cậu nhận định.
Từ năm ba đại học, Sơn là thực tập sinh toàn thời gian tại một ngân hàng lớn của Việt Nam. Sau vài tháng thực tập, cậu nộp báo cáo về hội đồng đánh giá của Viện và được quy đổi điểm một số môn chuyên ngành.
Cậu thích nhất khoảng thời gian này bởi được vận dụng kiến thức đã học và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Môi trường làm việc chuyên nghiệp với các anh, chị đồng nghiệp cũng khiến chàng trai trẻ mở rộng góc nhìn cuộc sống.
Sơn tại một sự kiện của ngân hàng nơi cậu thực tập. |
Vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa được phát triển bản thân qua nhiều hoạt động, Sơn cảm nhận thời sinh viên trọn vẹn và ý nghĩa. Tuy nhiên, cậu cũng mong ước, giá như đã dành nhiều thời gian và công sức hơn cho chuyện tình cảm để có được một người đồng hành.
“Nếu được quay lại, mình vẫn sẽ học hết sức, nhưng cũng sẽ yêu hết mình. Trải qua rồi mới thấy thời sinh viên là quãng thời gian tuyệt vời để tìm kiếm một tình yêu đẹp và chân thành”, Sơn tâm sự.
Hiện Sơn đang chuẩn bị để ứng tuyển làm giảng viên nguồn của trường. Được truyền cảm hứng từ nhiều thầy cô ở Viện Kinh tế và Quản lý, cậu dự định tìm kiếm cơ hội học nâng cao tại các quốc gia phát triển. Cậu cũng muốn tăng trải nghiệm cá nhân và tích lũy kiến thức từ việc đi du học. Các quốc gia mà cậu đặt mục tiêu là Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Canada.
Gửi lời đến các độc giả trẻ, Sơn hy vọng các bạn sử dụng thật tốt thời sinh viên để làm đòn bẩy vững chắc cho sự nghiệp tương lai. “Đừng biến đại học thành nơi chôn vùi tuổi thanh xuân”, cậu nhấn mạnh.