Trần Văn Dũng (sinh năm 2000) hiện đang là sinh viên K68 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Với mong muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực thông qua việc giao tiếp hiệu quả, Dũng đã lựa chọn theo học ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, nam sinh được tiếp cận với chương trình đào tạo chất lượng, môi trường học thuật đa dạng và đầy thách thức để rèn luyện bản thân có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều bạn sinh viên khiếm thị khác, Dũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo trình học tập. Nam sinh chia sẻ: “Giáo trình thường không được tiếp cận hoàn toàn, vì chúng thường là các tài liệu ở dạng PDF và không thể chuyển sang Word để sử dụng các phần mềm hỗ trợ đọc màn hình. Điều này một phần liên quan đến vấn đề bản quyền, khiến việc chuyển đổi trở nên khó khăn và hay gặp lỗi. Mình mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kết nối với các nhà xuất bản để tháo gỡ những vướng mắc về bản quyền, giúp sinh viên khiếm thị có thể tiếp cận giáo trình dễ dàng và thuận tiện hơn. May mắn là trong quá trình học tập này, đội ngũ giảng viên của trường luôn quan tâm và hỗ trợ sinh viên nhiệt tình, đặc biệt là đối với sinh viên khuyết tật như chúng mình.”
Bên cạnh việc học, Dũng còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và là thành viên của Đội thanh niên vận động hiến máu của trường. Tại quê nhà Bắc Ninh, Dũng đảm nhiệm vị trí Ủy viên Ban chấp hành Hội người mù huyện Tiên Du khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, chàng trai cũng tham gia hoạt động trong các CLB như: CLB Tuổi trẻ Tiên Du, CLB Mái nhà chung, CLB Ươm Mầm Sen Việt (Chùa Kim Ngưu, Bắc Ninh).
Với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, Dũng góp sức trong nhiều chiến dịch tình nguyện như Hà Nội ấm, Xanh Việt Nam, Xuân tình nguyện, cùng nhiều chiến dịch hiến máu khác.
Nam sinh cho biết: “Các hoạt động này không chỉ mang lại cho mình những kỷ niệm đẹp trong tuổi thanh xuân mà còn giúp mình rèn kỹ năng mềm, đặc biệt là trong giao tiếp. Mình cũng mở rộng mối quan hệ, kết nối với nhiều người bạn mới. Tham gia hoạt động, mình nhận ra rằng có rất nhiều người còn khó khăn hơn mình, và điều này là động lực để mình không ngừng nỗ lực phát triển bản thân.”
Trong cuộc sống, nhiều lúc Dũng cũng không khỏi chạnh lòng khi nghe người khác chỉ trỏ: “Thôi thằng mù mùa này chắc chẳng làm được gì đâu”, hay khi bị bạn ném sỏi vào người khi đang đi trên đường dù bản thân chẳng làm gì cả.
“Những lời nói và hành động đó khiến mình cảm thấy buồn. Mình từng nghĩ liệu bản thân mình có quá tệ không. May mắn, cơ duyên đã dẫn dắt mình đến với Phật pháp. Mình nghĩ đó có thể là nghiệp của mình, vì vậy, mình cố gắng làm những điều tốt đẹp và vượt qua suy nghĩ tiêu cực. Mọi thứ sẽ ổn khi mình coi những lời tiêu cực là động lực để tiến bước và chứng minh rằng người khiếm thị cũng có thể làm những điều mà người bình thường làm được.” - Dũng bày tỏ.
Từ những trải nghiệm của mình, Dũng mong muốn nhắn gửi đến các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên khuyết tật và sinh viên khiếm thị rằng: “Các bạn, đừng ngần ngại. Chúng ta không nên tự ti về bản thân mình. Mặc kệ người khác nói gì, hãy xem đó là động lực để phát triển. Hãy tham gia những hoạt động tình nguyện để nhận ra rằng, ở ngoài kia, có rất nhiều người còn khó khăn hơn chúng ta.”
Dũng tin rằng thời gian rồi sẽ trả lời tất cả. Chàng trai sẽ tiếp tục phấn đấu học tập và phát triển bản thân để những nỗ lực của ngày hôm nay sẽ trở thành quả ngọt của thành công trong tương lai.