Ngày xưa khi bố mẹ bảo: “Con còn nhỏ lắm, bao giờ lớn thì con sẽ hiểu lời bố mẹ thôi” thì mình tin chắc rằng, chúng ta, dù ít dù nhiều ai cũng cảm thấy hậm hực. Tuy nhiên đến bây giờ, khi nhìn lại hành trình 20 năm cuộc đời, mình nhận thấy góc nhìn của mình thực chất còn hạn hẹp lắm. Trước khi bước chân vào Trường Đại học Ngoại thương mình từng nghĩ rằng mình cũng là một cô gái tự tin, giỏi giang với một chút năng khiếu về nghệ thuật. Cho đến lúc bắt đầu cuộc sống sinh viên, nơi đây đã khiến mình thay đổi góc nhìn tưởng chừng như đã ăn sâu vào máu đó, nhưng đồng thời lại giúp mình khám phá những góc khuất mà chính mình cũng chưa từng biết đến. Mình nhận ra rằng mình cũng rất đặc biệt.
Ngô Hà Dương- Nữ sinh Ngoại thương |
Mọi người vẫn thường hay nói Peer Pressure (Áp lực bạn bè) là đặc sản của Trường Ngoại thương. Việc này mình đã nghe danh từ lâu nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua, vì mình nghĩ mình cũng là một cô gái tự tin và khá giỏi giang đấy chứ. Với suy nghĩ đó, mình cầm giấy báo trúng tuyển và khoác lên mình chiếc áo Ngoại thương như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa khác mà không có bất kỳ một chút lo sợ nào.
Thi vào CLB là một trong những việc đầu tiên mình làm để bắt nhịp với môi trường năng động. Đến bây giờ nghĩ lại cảm giác lúc thi vào CLB đối với mình cũng giống như một kỳ thi ĐH thứ 2 vậy. Cầm tờ đơn đăng ký trên tay, mình cùng bao bạn bè khác hồ hởi đi rải đơn app vào các câu lạc bộ, ngày phỏng vấn 2-3 ca, chạy show không khác gì ca sĩ.
Mình thậm chí còn tưởng rằng với năng khiếu ca hát của mình, thì mình có thể đỗ vào ban chuyên môn của một CLB sở thích nào đó cho đến khi mình nhận được kết quả trượt ngay từ vòng đánh giá năng lực. Thất bại đầu đời khiến mình bất ngờ và tủi thân vô cùng.
Những gian nan trên chặng đường Đại học của mình vẫn chưa dừng lại ở đó. Bản thân mình không biết cách sắp xếp thời gian nên sau những giờ mải mê chạy sự kiện, có một bộ phận FTUers giống như mình bị deadline “quật”, và cũng vì thế mà điểm GPA kì 1 của mình khá lẹt đẹt. Thời gian năm nhất đối với mình rất đặc biệt. Vì đó là khi kỳ học thứ 2 bắt đầu, chính là một khoảng thời gian dài nghỉ dịch COVID-19. Học online khá bỡ ngỡ, các sự kiện của CLB tạm ngừng vô thời hạn và những dự định tương lai cũng vì thế mà trì hoãn theo.
Nhưng các bạn biết không, trong từ điển của Ngoại thương thì không có 2 từ “chùn bước”. Đó là những gì mình đã nhìn thấy được từ thầy cô, bạn bè và cả những FTUers mình từng tiếp xúc. Tất cả bọn họ đều dám đứng dậy và đương đầu với khó khăn, và bản lĩnh Ngoại thương không phải là một khẩu hiệu mà mọi người chỉ đang nói cho có. “Áp lực tạo kim cương” và đến giờ thì mình thấy mình may mắn khi được ở trong một môi trường nhiều người xuất chúng đến vậy. Mình tận dụng khoảng thời gian nghỉ dịch để ôn thi chứng chỉ HSK4 tiếng Trung, lập kế hoạch kỹ càng các công việc sẽ làm sau khi nghỉ dịch, lên mạng tham gia vào các group học bổng du học, hay tình nguyện để tìm kiếm cơ hội cho mình. Sau khi hết dịch, mình vừa tập trung vào chuyện thi cử trên lớp, vừa tập trung để thi HSK4, vừa chạy sự kiện của CLB và các hoạt động xã hội bên ngoài nữa. Tất cả đều được đền đáp bằng những trái ngọt gieo trồng bởi sự cố gắng.
Đáng nói nhất đó là mỗi khi có khó khăn thì mình không chỉ có một mình mà gia đình và bạn bè luôn bên cạnh động viên, đó chính là động lực để mình có thể vượt qua và hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất. Mình thi đỗ HSK4, điểm GPA năm nhất được cải thiện đáng kể, các sự kiện CLB đều hoàn thành trước deadline và 2 sự kiện bên ngoài cũng nhận được certificate với thành tích xuất sắc. Mình cũng mở lòng hơn và lập ra một kênh Youtube với một trang blog của riêng mình nữa. Mặc dù nó chưa quá xuất sắc nhưng lại là minh chứng cho việc mình dám làm và cố gắng để phát triển bản thân.
Năm nhất đối với nhiều người mà nói thì những thứ mình đã đạt được tuy không phải điều gì đó quá to tát nhưng đối với mình thì đó lại là cả một hành trình đầy nỗ lực để khám phá và hoàn thiện bản thân. Mình cân bằng mọi thứ trong cuộc sống, tự lập và trưởng thành hơn. Bên cạnh đó, mình nhận ra một điều rằng, cách hữu hiệu để vượt qua peer pressure, đơn giản chỉ là không quan tâm đến nó nữa, chỉ cần học hỏi và thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực là tốt rồi.
Và các bạn có biết điều gì khiến mình vượt qua Peer Pressure không? Đó là việc mình không chạy theo những thành tích mà mọi người có. Mỗi người đều có những ước mơ riêng, những dự định riêng. Vì thế, mình không đi theo cái bóng của họ, mà tập trung vào học hỏi và hoàn thiện bản thân theo kế hoạch mà mình đã vạch ra. Có người đã nói với mình rằng: “Nếu cứ đi theo cái bóng của người khác, thì bạn sẽ không còn mắt để dò đường”. Vì vậy, chúng ta hãy cứ bắt đầu với chính bản chất của con người mình đã.
Bây giờ nếu bố mẹ mình có nói: “Con còn bé lắm” thì chắc chắn bố mẹ sẽ phải nhìn nhận lại một chút vì “Con còn bé và đang trên hành trình trưởng thành, con sẵn sàng lắng nghe, học hỏi và giúp đỡ mọi người".