Chào Hà Giang, bạn có thể giới thiệu bản thân mình để các độc giả có thể hiểu rõ hơn về bạn không?
Mình hiện là sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam với định hướng về nghệ thuật và tâm lý. Mọi người thường biết đến mình qua cái tên hoshiki_jj - một người chia sẻ việc học và quan điểm về tìm kiếm bản thân trên con đường trở thành người lớn. Hiện tại mình đang rất vui vì được sống một cuộc sống mình muốn.
Được biết Giang có kênh studygram hoshiki_jj với 38.5k followers, một con số rất ấn tượng đó. Không biết từ bao giờ và tại vì sao bạn lại có ý tưởng làm kênh studygram nhỉ?
Mình bắt đầu studygram vào năm cuối cấp 3, chủ yếu để chia sẻ những quan điểm về việc học mình nhìn thấy trong quá trình học tập thôi. Bởi khi ấy mình chẳng biết có thể chia sẻ những góc nhìn này với ai ở cuộc sống thực cả, không ngờ lại được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người nên mình mới kiên trì đi đến được ngày hôm nay.
Với số lượng followers khủng như thế, bạn đã bao giờ gặp phải áp lực trong quá trình sáng tạo và làm việc chưa?
Áp lực luôn là điều sẽ không tránh khỏi khi mình làm content thiên về quan điểm, trải nghiệm, và đặc biệt là cách mình truyền tải mang hướng rất “mình”, nên đôi lúc mình sẽ nhận lại sự mong chờ đặc biệt từ các bạn follower hoặc sẽ phải nhận ý kiến trái chiều. Điều này cũng từng làm mình rất sợ hãi khi nêu quan điểm: nếu thứ mình viết ra không như họ mong đợi hay khiến họ thất vọng thì sao? Cảm giác khi có người phản đối và dùng lời lẽ không hay với mình, khiến mình cảm giác bản thân rất tệ. Nên đã có đôi lần mình làm lạc mất giá trị của mình: thay vì viết những gì mình cho là đúng, mình viết những gì số đông muốn nghe, nên đâm ra bài viết chả có gì nổi bật và không tạo ra sự thay đổi nào quan trọng. Nhưng mình đã dần quen với việc tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của mỗi cá nhân và nhận ra những giá trị riêng của mình rồi, nên mình đã biết cách đưa ra những content mang tính đóng góp tích cực đến cộng đồng nhưng vẫn bảo vệ được bản sắc của riêng mình chứ không bị số đông và áp lực xã hội làm ảnh hưởng.
Được biết Hà Giang đã từng theo học trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM nhưng hiện tại đã bảo lưu để theo học tại Fulbright. Lý do gì khiến bạn đưa ra quyết định này và ở Fulbright có điều gì thu hút bạn tới như vậy?
Mình nhận ra bản thân phù hợp với nghệ thuật, nên đã chọn chỉ vào những môi trường liên quan đến nghệ thuật. Tuy nhiên, Kiến trúc, một nơi thiên về thiết kế, mang đến cho mình một nghệ thuật không phải hướng đi mình đang tìm kiếm, nên khi mình nhận ra việc phát triển nghệ thuật ở Fulbright - thiên hướng nghiên cứu hơn và liên quan đến các lĩnh vực khác của xã hội hơn, thì mình cảm thấy thôi thúc và cố gắng hết sức để apply vào đây. Ở Fulbright mình có thể tìm thấy cái tôi nghệ thuật của mình, và có thể cống hiến vào các lĩnh vực khác của nghệ thuật mà mình thấy các trường đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam chưa đề cập đến nhiều, nên đó là lí do khá là lớn khiến mình rất quyết tâm học ở đây. Hiện tại mình đang học ở Fulbright và rất hài lòng, cũng như cảm giác đây là thứ mình luôn tìm kiếm và đúng với định hướng của mình.
Trong suốt hành trình đến với Fulbright, Hà Giang có gặp phải những khó khăn gì không?
Lựa chọn hàng đầu của mình lúc nào cũng là Fulbright cả. Nhưng năm 12 mình rớt Fulbright 2 lần, và phải học ở trường khác, đấy là một trải nghiệm kinh khủng đối với mình vì nó đã giúp mình vỡ lẽ ra - 1 đứa lúc nào cũng thắng trên các giải mình tham gia - có nhiều thứ phải học hơn về thế giới này và bản thân chứ không đơn thuần là học trên trường lớp nữa. Và có lẽ mình chưa thực sự hiểu mình như mình nghĩ vì mình chỉ đang định nghĩa bản thân mình bằng những con điểm thôi. Mình đã rất nghi ngờ bản thân và không biết mình nên làm gì tiếp theo, nên nhân cơ hội được học ở Sài Gòn khi mình là sinh viên trường Kiến trúc, mình đã tự khám phá nghệ thuật theo cách của mình, và tìm ra giá trị của bản thân thông qua nghệ thuật. Đó là một hành trình khá là lộn xộn và đầy cảm xúc, và mình đã đem những cảm xúc đó vào hồ sơ Fulbright, để thể hiện một Hà Giang nhiệt huyết với nghệ thuật và sự phát triển của cộng đồng như thế nào với Fulbright. Đến lúc này, mình đã thay đổi tư duy: từ việc nghĩ rằng rớt Fulbright tức là mình không tài giỏi thành tin là mình đã đủ đầy, nên việc apply Fulbright sẽ là một trải nghiệm, đậu hay rớt cũng không thể chứng minh được giá trị của mình. Giờ thì mình đã đậu rồi, và hành trình đến Fulbright khi nhìn lại thì như hành trình tìm kiếm lại bản thân vậy.
Trong một khoảnh khắc nào đó, bạn đã bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định của mình chưa?
Quyết định học ở Fulbright là quyết định đúng nhất cuộc đời mình, vì đây là bước ngoặc đầu tiên mình mạnh mẽ vượt qua nhiều khó khăn để chọn sống một cuộc sống mình muốn chứ không để xã hội hay những tác nhân bên ngoài quyết định cuộc sống thay cho mình nữa. Mình cũng được cảnh báo rất nhiều về việc Fulbright quá mới mẻ và những lời khuyên bảo mình thay đổi ngành nghề vì sợ mình thất nghiệp. Nhưng mình biết khả năng của mình và mình có thể làm được gì, nên mình chọn việc tiên phong, phát triển và sống một cuộc đời mình muốn thay vì lo sợ quá nhiều vào những định kiến của người khác. Và vào đây rồi mình thấy mình phát triển rất nhanh, bản thân tốt hơn rất nhiều, nên không có gì mình phải hối hận cả.
Bạn đã có cảm xúc như thế nào khi được chạm tới ước mơ và nguyện vọng trở thành sinh viên Fulbright của bản thân?
Thật ra thì hành trình apply Fulbright của mình kéo dài từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2021 và không một giây phút nào mình không nghĩ đến việc mình sẽ hạnh phúc ra sao khi mình đậu được Fulbright cả. Nhưng khi mình thật sự đậu được rồi, mình đã rất trống rỗng, mình đã nghĩ là: “Hành trình dài đằng đẵng này cuối cùng cũng khép lại rồi sao? Mình làm gì tiếp theo đây? Mình có nên nghỉ ngơi không?” Và thật sự là mình vẫn chưa thể tin là mình đậu cho tới 2 tháng sau, sau khi gặp các bạn tân sinh viên, và trở thành một phần của một nhóm bạn rất tốt và giỏi giang, và tạo được nhiều kỉ niệm với họ, mình mới dần nhận ra là mình thực sự đã đậu rồi. Mọi thứ bỗng tốt đẹp quá nên mình không quen ấy, nhưng dần dần mình cũng nhận ra là mình đã cố gắng rất nhiều và mình xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp như vậy, nên mình đang rất tận hưởng cuộc sống hiện tại.
Còn có rất nhiều người, thậm chí ở tuổi 20-30 vẫn chưa thực sự biết và hiểu mình muốn gì. Liệu việc một người bắt buộc phải có ước mơ có thực sự quan trọng không, liệu rằng họ có nên xem bản thân như kẻ thất bại chỉ vì vẫn còn mông lung với cuộc đời mình hay không?
Mình nghĩ vấn đề ở đây là mọi người đang tìm kiếm câu trả lời của bản thân trong định nghĩa về “ước mơ” của người khác. Cách tốt nhất là quan sát bản thân xem định nghĩa của mình về những việc đó và không nên so sánh câu trả lời của mình với người khác đâu. Và mình không nghĩ việc phải rõ ràng biết mình muốn gì là quan trọng, đôi lúc hiểu mình chỉ là biết mình thích ăn món gì, thích được đối xử ra sao và tại sao mình lại muốn như vậy thôi. Đó là những thứ nhỏ nhặt hằng ngày mà chúng ta thường bỏ qua nhưng nó lại rất quan trọng vì nó kể cho mình nghe về bản thân rất là nhiều, sẽ giúp mình đối đãi với bản thân tốt hơn. Mình tin là mỗi người có riêng cho bản thân một hệ giá trị khác nhau, nên việc bạn biết được ước mơ của mình là gì thì tốt, chưa biết cũng không sao, đừng quá tạo áp lực. Việc không có ước mơ không đồng nghĩa với việc thờ ơ với cuộc sống, nên mình mong là mọi người không nhầm lẫn hai khái niệm này và cho là người không có ước mơ là một người thất bại. Miễn sao mình hạnh phúc với cuộc sống của mình là được rồi, không cần phải theo đuổi thứ mà người khác có trong khi mình thấy nó không quan trọng.
Bạn có lời khuyên hoặc chia sẻ gì muốn nhắn nhủ tới các bạn độc giả không?
Với mình thì việc được làm chủ cuộc đời mình rất quan trọng, vì khi đó mình sẽ thấy được rõ bức chân dung của bản thân hơn, và yêu cuộc sống này hơn rất nhiều. Hồi đó mình buồn vặt và cứ khóc suốt ấy, nhưng giờ mình chả còn thế nữa. Mình đã nhận được nhiều tin nhắn từ các bạn nói về việc sợ hãi sẽ làm sai nếu làm thứ mình muốn làm. Nên lời khuyên của mình là: Cứ làm thôi. Cậu sợ cái gì thì cứ đối mặt với nó. Ban đầu sẽ hơi khó khăn đấy, nhưng thành quả sẽ khiến cậu ngạc nhiên và tự hào rất nhiều. Cậu còn trẻ, sai thì mình thử lại, đừng chạy đua thời gian với ai cả. Giữ tinh thần chiến đấu nhiệt huyết và tin tưởng bản thân, làm thứ mình được thôi thúc làm, trải nghiệm, học hỏi thôi. Và nhớ là hãy bao dung với những sai sót và khuyết điểm của bản thân nữa nhé. Tụi mình luôn có thể làm lại, và yêu bản thân bằng việc cho bản thân 1 cơ hội sửa sai cũng là cách để khiến tụi mình phát triển tích cực hơn đó. Và đôi lúc cậu không cần tìm kiếm điều gì đó để cho bản thân có giá trị hơn đâu, cậu là chính cậu thì đã là đủ đầy rồi, nên đừng đánh giá thấp bản thân nhé.
Cảm ơn Giang!