Không may bị khiếm thị bẩm sinh nên mãi cho đến khi các bạn cùng tuổi học lớp 4, Thương mới bắt đầu theo học tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Bằng nghị lực và đam mê của mình, Thương đã đạt giải Ba cuộc thi hát tiếng Anh cấp thành phố cho học sinh THCS năm 2018 và nhận học bổng của Trung tâm tiếng Nhật Riki Nihongo cho hai trình độ N4, N3 năm 2019. Đến năm 2020, Thương là một trong 3 đại diện của Việt Nam tham gia cuộc thi đọc viết chữ nổi tiếng Anh dành cho học sinh khiếm thị khu vực ASEAN tại Thái Lan.
Tốt nghiệp THPT, Thương chọn trường Đại học Hà Nội làm nơi gửi gắm quãng đời sinh viên của mình. Nữ sinh chia sẻ: “Đầu tiên, mình thấy trường Đại học Hà Nội (HANU) là một môi trường rất cởi mở và thân thiện. Nơi đây chấp nhận mọi sự khác biệt: không quan trọng bạn là ai, bạn đến từ đâu, HANU sẽ luôn mở rộng cánh cửa chào đón bạn. Đó cũng là lý do mà ngôi trường này có những sinh viên quốc tế và sinh viên khuyết tật học tập. Hơn nữa, mình là một người rất yêu thích học ngôn ngữ. Mọi người đều biết rằng HANU nổi tiếng về đào tạo ngôn ngữ với chất lượng rất tốt, nên mình nghĩ đó là một nơi tuyệt vời cho bản thân mình trong quá trình chinh phục tri thức.”
Bước chân vào môi trường đại học, Thương được nhận nhiều học bổng cho sinh viên hệ tuyển thẳng có điểm cao. |
Tuy nhiên, học tập ở một môi trường mới với Thương cũng mang lại không ít khó khăn. Trước đó, Thương được tiếp cận với nhiều tài liệu chữ nổi khi học ở trường khiếm thị. Nhưng giờ đây khi học ở một ngôi trường bình thường thì lại không có những tài liệu như vậy, khiến Thương phải đối mặt với vấn đề không tiếp cận được các tài liệu học tập.
Nữ sinh tâm sự: “Lúc đầu mình đã rất hoang mang và suy nghĩ rất nhiều. Mình quyết định tham khảo ý kiến của những anh chị đi trước. Giải pháp của mình khi đó là xin thầy cô sách và tài liệu bản mềm, sau đó mình sẽ đọc trên máy tính. Ngoài ra, mình cũng gặp vấn đề trong việc di chuyển. Là một người khiếm thị, không thể nhìn thấy đường nên mình đi lại rất khó khăn. Lúc mới đến trường, mình đã phải tập đi từ cầu thang đến các lớp học. Mãi đến khi đã nhớ đường thì mình mới dần quen hơn.”
Gần đây nhất, Thương đã được vinh danh và nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2022 do Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức. |
Khó khăn là vậy nhưng Thương cũng đã bước đầu gặt hái được những thành quả xứng đáng. Là sinh viên hệ tuyển thẳng có điểm cao, Thương được nhận học bổng dành cho những thủ khoa và sinh viên có thành tích xuất sắc của trường Đại học Hà Nội và học bổng từ Đoàn thanh niên trường cho những sinh viên vượt khó học giỏi. Gần đây nhất, Thương đã được vinh danh và nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2022 do Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức. Đồng thời, nữ sinh còn đạt giải Khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Bên cạnh việc học, Thương còn dành thời gian tham gia câu lạc bộ Step Club - Hành động vì người khiếm thị, đây chính là nơi giúp những người khiếm thị như Thương thể hiện khả năng của mình và giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ khác. Ngoài ra, Thương còn là một cộng tác viên viết các bài cảm nhận sách cho kênh Youtube Cùng bạn đọc sách. Thương cảm thấy rất vui khi mình có thể đóng góp một phần nhỏ xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Từng đạt giải Khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022, Thương cảm thấy rất vui khi mình có thể đóng góp một phần nhỏ xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. |
Nữ sinh bộc bạch: “Mình có niềm đam mê với tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học Alfred W. Adler. Mình đã đọc hai cuốn sách có nhan đề là Dám bị ghét và Dám hạnh phúc của nhà văn Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Mình đã có kết luận về hạnh phúc như thế này: niềm hạnh phúc của con người xuất phát từ sự cống hiến và các mối quan hệ. Mình xin được trích một câu nói rất nổi tiếng của Alfred W. Adler rằng chúng ta có thể hạnh phúc ngay từ đây và vào lúc này.”
Ước mơ của Thương là được đi du học ngành Tâm lý học ở Nhật Bản. Đây là điều mà Thương đã ấp ủ suốt từ năm 13 tuổi cho đến thời điểm hiện tại. Thương mong muốn sẽ trở thành một nhà tâm lý học sau khi tốt nghiệp để có thể giúp đỡ cho những người đồng tật với mình. Bởi lẽ hơn ai hết, nữ sinh hiểu được người khiếm thị là một đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, vậy nên Thương hy vọng mình có thể giúp đỡ và chăm sóc về mặt tinh thần cho họ.