Nhiều lỗ hổng trong kiểm soát
Lo ngại vấn đề nguy cơ tiềm ẩn các tác hại của thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), Bộ Y tế đề xuất cần cấm chung các mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, đề xuất này có thể tạo ra bất cập trong chính sách đối với mọi loại thuốc lá dựa trên căn cứ pháp lý hiện hành. Bên cạnh đó, khi đề xuất cấm hiện chỉ áp dụng cấm sản xuất, mua bán, quảng cáo, nhưng lại không cấm tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là, đối với người dùng thuốc lá mới từ nguồn xách tay, buôn lậu, hoặc khách du lịch sẽ phải xử lý như thế nào?
Tại phiên giải trình về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát TLĐT, TLNN tại Nhà Quốc hội ngày 4/5, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm, nếu cấm thì phải cấm cả “trong nhà, ngoài ngõ”. Cụ thể, nếu muốn quản lý triệt để thì đã không cho phép nhập khẩu, cũng phải có biện pháp xử lý người sử dụng trong nội địa.
Mặt khác, vấn đề bất cập của việc cấm cũng có khả năng xảy ra khi trong quá trình thực thi khi thuốc lá điếu vẫn là sản phẩm lưu hành hợp pháp. Tại một hội thảo gần đây, theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, tình hình buôn lậu thuốc lá mới trong những năm gần đây cho thấy sự phát triển cung cầu của thị trường và tính cấp thiết phải quản lý các sản phẩm này. “Nếu nói các sản phẩm thuốc lá mới cũng là sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện, gây hại nên cần phải cấm, thì thuốc lá truyền thống đã phải bị cấm từ rất lâu, chứ không cần có luật để phòng chống tác hại của thuốc lá như hiện nay,” ông Hải phân tích.
Trước vấn đề chính sách cấm sẽ có lợi cho ai, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nhận định, việc cấm thuốc lá mới sẽ khiến cán cân lợi ích nghiêng về thuốc lá truyền thống, làm mất cơ hội thúc đẩy sự cạnh tranh của thị trường. Theo ông Phong, nếu TLNN vẫn bị cấm, bất chấp các dẫn chứng về khả năng giảm tác hại mà giới khoa học toàn cầu đã chứng minh, thì thuốc lá truyền thống sẽ tiếp tục được củng cố vị trí độc tôn. Khi thiếu đi sức ép cạnh tranh, thuốc lá truyền thống sẽ không cần nỗ lực cải tiến để giảm thiểu tác hại.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Hiện nay, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng như các chuyên gia, ĐBQH nhấn mạnh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh hợp pháp, có điều kiện. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng với loại thuốc lá mới dễ được nhận diện là thuốc lá như TLNN, do được sản xuất từ lá thuốc lá tự nhiên, thì chỉ cần điều chỉnh luật hoặc các văn bản dưới luật để quản lý như thuốc lá thông thường. “Theo khuyến cáo của WHO, nếu thuốc lá mới nào chứng minh được có nguồn gốc từ thuốc lá, thì có thể quản lý bằng quy định liên quan thuốc lá truyền thống”, ông Lê Đại Hải chia sẻ trong một tọa đàm gần đây.
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ
Cũng tại phiên giải trình ngày 4/5, nhiều băn khoăn được đặt ra đối với đề xuất cấm vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cụ thể, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác dân nguyện thuộc UBTVQH cho rằng, Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có ứng xử khác biệt giữa TLNN, TLĐT so với thuốc lá truyền thống, dựa trên các bằng chứng khoa học. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng chất vấn, liệu Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã nghiên cứu toàn diện các hoạt chất có trong các sản phẩm này chưa, có loại nào thuộc danh mục cấm hay có điều kiện. Để cấm hay quản lý cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ.
Cùng đề cập vấn đề nghiên cứu khoa học, tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” ngày 16/10, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội thông tin, hiện có Trường Đại học Y Hà Nội, gồm một nhóm tác giả, đã dựa trên nhiều nghiên cứu để đưa ra kết quả nghiên cứu đáng tin cậy về TLNN. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm này.
Góp ý kiến cho tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đặt vấn đề: “Nếu chúng ta có căn cứ khoa học chứng minh rằng TLNN gây tác hại tới sức khỏe người dùng cũng như người xung quanh ít hơn rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống (do thay đổi cách đốt điếu thuốc lá từ đốt ở nhiệt độ hơn 1000oC sang nung nóng dưới 400oC), thì tại sao lại cấm?”. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, số liệu nghiên cứu về tác hại thuốc lá nung nóng so với thuốc lá truyền thống mới chỉ là các thông tin được đăng tải trên các mạng xã hội, rất cần phải được tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập với các nhà sản xuất thuốc lá đánh giá và phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt nam kết luận, cho ý kiến.
Về đối tượng sử dụng thuốc lá mới, tại tọa đàm, Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội nói, đối tượng sử dụng TLNN và TLĐT rất khác nhau. Qua ghi nhận, ông Tiến cho biết, TLNN chỉ phổ biến ở những người thuộc độ tuổi trưởng thành và có thu nhập ổn định, bởi đây là loại hình giá trị cao, chủ yếu từ Nhật Bản, Đông Âu, được đưa vào Việt Nam qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua các cửa khẩu. Trong khi đó TLĐT có giá trị thấp hơn, hiện đang xâm nhập vào hệ thống trường học, đối tượng thanh thiếu niên, và dễ phát sinh tệ nạn xã hội, như trộn cần sa, chất cấm vào tinh dầu TLĐT.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội |
Từ thực tiễn, các đại biểu nhấn mạnh cần phân loại rõ việc quản lý các mặt hàng này từ góc độ cấu tạo sản phẩm, tính hấp dẫn, và từ đó quản lý riêng biệt. Điều này cũng hoàn toàn tương thích với các khuyến nghị của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo đó, WHO khuyến nghị quản lý riêng biệt giữa TLĐT và TLNN. TLNN đã được WHO xác định là thuốc lá, khuyến nghị các nước cần kiểm soát theo luật quốc gia, nhằm chống bình thường hóa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.