Năm 2020, mình thi đại học với nguyện vọng thi đậu vào khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng thiếu một chút may mắn, mình không đủ điểm và học tập tại khoa Văn học. Sang năm hai, mình tiếp tục học thêm chuyên ngành Báo chí song song để theo đuổi niềm đam mê. Là con cả trong một gia đình thuần nông, kinh tế không được ổn định, mình đã đi làm thêm từ năm nhất để trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ. Mình đã làm nhiều công việc như nhân viên bồi bàn, gia sư, nhân viên trực trang bán hàng. Từ đầu năm hai đại học, mình đã tự lo được sinh hoạt phí. Cùng lúc đó phải cân bằng thời gian cho việc học song ngành, các hoạt động ngoại khóa.
Nguyễn Thị Ngọc Tú là sinh viên song ngành Văn học và Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Vốn là người yêu thích các hoạt động thiện nguyện, từ năm nhất đại học, mình tham gia Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội, đến nay đã sinh hoạt được 3 năm. Tháng 9 năm 2022, nhờ năng lực cá nhân, kinh nghiệm bản thân tích lũy và sự tín nhiệm của mọi người, mình đã trở thành Phó chủ tịch HĐH sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội. Trong 3 năm, mình có những trải nghiệm quý báu và lần lượt đảm nhiệm các vị trí trong các chương trình của Hội như: Phụ trách truyền thông chương trình Khi Tôi 18 năm 2021 cùng chương trình Mùa hè xanh năm 2022 tại Lộc Bình, Lạng Sơn; Trưởng Ban tổ chức chương trình Đông ấm Xứ Lạng 2022 tại Vĩnh Tiến, Tràng Định, Lạng Sơn; Ban cố vấn chương trình - Mùa Hè Xanh năm 2023 tại Liên Hội, Văn Quan, Lạng Sơn. Tất cả đều là những chương trình tình nguyện giúp ích cho bà con tại những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bản tỉnh Lạng Sơn.
Cô giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội. |
Cô gái nhỏ luôn tiên phong tham gia các hoạt động vì cộng đồng. |
Nếu ai hỏi mình rằng vừa học song ngành, vừa làm thêm phụ giúp bố mẹ và tham gia các hoạt động tình nguyện thì có vất vả quá không? Với mình, khó khăn cũng như gánh nặng lớn nhất chính là vấn đề kinh tế. Làm sao để tự chi trả được tiền sinh hoạt hàng tháng, sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động, tổ chức một chương trình tình nguyện mà không làm ảnh hưởng đến việc học tập. Áp lực từ cấp trên tại nơi làm thêm, áp lực từ những khó khăn trong các khâu tổ chức một chương trình của sinh viên khi không có nguồn kinh phí có sẵn, áp lực học tập… Nhiều lúc mình chỉ muốn bỏ cuộc nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Tất cả khó khăn qua đi, bản thân mình đã nhận lại được nhiều kinh nghiệm quý báu và những bài học đắt giá.
Những chương trình mình tham gia hầu hết mình đều là thành viên thuộc Ban tổ chức. Việc cùng các bạn sinh viên khác tổ chức một chương trình tình nguyện cũng không đơn giản chút nào. Để tổ chức một chương trình tình nguyện, vấn đề đầu tiên phải nghĩ tới đó chính là kinh phí. Khi bắt đầu lên kế hoạch, ban tổ chức tạo hoạt động gây quỹ vì nguồn quỹ lúc này là con số không. Từ vận động các nhà tài trợ thường niên của Hội cũng như tìm kiếm các nhà tài trợ mới là việc không hề dễ dàng. Chưa kể việc làm sao để thuyết phục được họ ủng hộ, tin tưởng mình. Các khâu như chăm sóc nhà tài trợ trước, trong và sau khi chương trình diễn ra phải thực sự chuyên nghiệp và khéo léo. Làm sao để nhà tài trợ tin tưởng và tiếp tục đồng hành trong các chương trình sau. Nhiều lúc không cân bằng được thời gian giữa các công việc của chương trình, việc học tập, việc làm thêm nên có giai đoạn mình mất ngủ triền miên, ăn uống không điều độ, sụt cân. Nhưng rồi sau chương trình, áp lực không còn, mình cảm thấy bản thân đã cố gắng hết sức và lấy lại được trạng thái cân bằng ban đầu.
Niềm hạnh phúc của Tú cùng Hội sinh viên tình nguyện là có cơ hội giúp đỡ được nhiều hơn các hoàn cảnh khó khăn. |
Có những lúc mình tự hỏi, mình có đang làm quá nhiều việc cùng một lúc hay không? Nhưng rồi mình nhận ra, chúng ta chỉ sống một lần, thời gian không phải là vô hạn, tại sao không tranh thủ làm thật nhiều điều mình yêu thích ngay khi còn có thể. Chuyện gì cũng có cái giá của nó. Học hai ngành một lúc khiến mình nhiều khi mệt mỏi trong việc thi cử, tốn kém gấp đôi chi phí nhưng lại cho mình kiến thức và lợi thế hơn khi ra trường. Làm thêm lấy đi nhiều thời gian nhưng mình có thể đỡ đần bố mẹ. Mình bỏ công sức, nhiệt huyết, thời gian để tham gia tình nguyện nhưng mình nhận lại được vô vàn kinh nghiệm sống, những mối quan hệ chất lượng, những người bạn tốt và một thanh xuân thật rực rỡ.
Mình cũng có một số lời khuyên dành cho các bạn trẻ chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn rằng các bạn hãy dũng cảm lên! Phải phá bỏ giới hạn của bản thân, dũng cảm thử sức nhiều điều mới mẻ và đừng ngại ngần gì cả. Chỉ cần bạn biết cách sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lý vì quản lý thời gian rất quan trọng. Hãy thật tự tin và làm những gì bạn cho là đúng. Cứ đi đi rồi bạn sẽ nhận ra nếu mình không thử thì làm sao biết được điều đó có phù hợp với mình hay không. Mình còn trẻ, cứ thử đi, dũng cảm lên nhé!