Lê Văn Vượng (sinh năm 2002), sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, hiện đang học chuyên ngành Xuất bản điện tử tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Từ những năm đầu tiên học đại học, mình đã tập tành viết lách, tham gia các câu lạc bộ về truyền thông, báo chí trong trường. Có thể nói môi trường học tập của trường Báo đã cho mình rất nhiều cơ hội để thử sức và thực hành nghiệp vụ, mình được trực tiếp tham gia những sự kiện lớn như Hội Báo toàn quốc, SEA Games 31 hay mới đây là AJC Open day 2022. Chúng mình trực tiếp ghi hình, sản xuất tin và đặc biệt là được giao lưu với nhiều anh chị phóng viên, nhà báo đi trước để học hỏi và có những trải nghiệm ban đầu của một người phóng viên, biên tập viên. Để thực tế hoá điều ấy, mình xin làm cộng tác viên cho các trang báo, tạp chí và cũng có những tác phẩm báo chí đầu đời từ năm nhất đại học. Với những kiến thức của một sinh viên mới chập chững vào nghề, tất nhiên mình chỉ được viết và biên tập những bài không quá chuyên sâu, chủ yếu về văn hoá, giải trí và sự kiện của giới trẻ. Tuy vậy, nghĩ tới bài viết của mình góp một phần nhỏ bé nào đó truyền tải, lan tỏa thông tin, thông điệp tới mọi người là mình lại có thêm động lực để tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức vì thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.
Vượng cùng các bạn sinh viên trong Học viện tham gia AJC Open day 2022. |
Tiếp xúc với nhiếp ảnh từ những năm học phổ thông, lên Đại học mình bén duyên với việc chụp ảnh chân dung, ảnh sự kiện và đó cũng là một công việc làm giúp mình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh viên. Nhờ công việc này, mình được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, cải thiện được khá nhiều kỹ năng giao tiếp và đặc biệt phát triển được tư duy hình ảnh – yếu tố phục vụ cho chính công việc của mình sau này. Điều quan trọng, là một “phó nháy” mình có thể chủ động sắp xếp thời gian, không bị bó buộc bởi giờ giấc, ca làm như những công việc khác. Mình nghĩ công việc này khá phù hợp với bản thân cũng như các bạn sinh viên có một chút năng khiếu về nhiếp ảnh vì thu nhập của nghề cũng khá tốt so với những người còn đang đi học.
Tiếp xúc với nhiếp ảnh từ những năm học phổ thông, lên Đại học Vượng bén duyên với việc chụp ảnh chân dung, ảnh sự kiện. |
Nhiếp ảnh là một công việc làm thêm giúp chàng trai Thái Bình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh viên. |
Ngoài những lúc chụp ảnh sự kiện, mình cũng dành thời gian rảnh để ghi lại những khoảnh khắc đời thường, những khung hình đẹp của cuộc sống và chia sẻ lên mạng xã hội. Thật vui khi nhiều tấm hình, nhiều bộ ảnh được mọi người đón nhận, chia sẻ và có nhiều tấm hình lên tới hàng chục ngàn lượt thích. Điều ấy làm mình yêu chiếc máy ảnh nhiều hơn.
Mình sinh ra ở một vùng quê mà đa phần người dân sống bằng cây lúa, gia đình mình cũng bình thường như bao gia đình khác thế nên bố mẹ mình cũng không có nhiều cơ hội để tìm hiểu kỹ công việc của một người làm báo, viết sách hay truyền thông. Bố mẹ mình luôn muốn con trai theo học những ngành như Sư phạm hay Quân đội vì sau này không phải lo lắng về vấn đề việc làm. Do đó, khi nói với gia đình về việc chọn ngành, chọn trường, mình đã nhận được sự phản đối gay gắt. Trong một khoảng thời gian dài, mình mông lung, mất phương hướng với việc chọn hướng đi cho bản thân. Mình và bố đã từng tranh cãi với nhau rất nhiều lần, hai cha con không tìm được tiếng nói chung. Sau tất cả, mình vẫn lựa chọn theo đuổi ước mơ thế nhưng con đường ấy đã gập ghềnh ngay từ điểm xuất phát.
Sau những trở ngại, Vượng vẫn lựa chọn theo đuổi ước mơ thế nhưng con đường ấy đã gập ghềnh ngay từ điểm xuất phát. |
Sau kỳ thi đại học, do không nắm rõ quy chế đăng ký nguyện vọng online mình đã có sự nhầm lẫn trong việc đăng ký dẫn tới không thể vào được Học viện Báo chí và Tuyên truyền dù có đủ điểm. Khi ấy đã có kết quả trúng tuyển cùng chuyên ngành ở trường khác nhưng mình không nhập học. Đó là cú sốc tinh thần rất lớn với một cậu học sinh cấp 3 vừa tốt nghiệp. Và thế là mất thêm một năm, mình quay lại thử sức lần 2, quyết tâm theo đuổi đam mê. Rồi bao công sức của mình cũng được đền đáp, mình đã đặt chân vào được trường báo. Thế nhưng, ngày có kết quả trúng tuyển, niềm vui của mình cũng giảm đi phần nào vì niềm vui ấy không đến từ mong muốn của bố mẹ.
Việc chọn trường, chọn ngành giữa con cái và các bậc phụ huynh có lẽ là vấn đề chung của của rất nhiều bạn trẻ đang đứng trước cánh cổng đại học. Sau khi vào học, mình đã luôn nỗ lực phát triển bản thân để chứng minh con đường mình lựa chọn là đúng đắn để bố mẹ được yên lòng. Thấy bản thân mình cải thiện nhiều trong cách cư xử, ăn nói, thấy con trai ngày càng chững chạc, trưởng thành, tiến bộ trong tư tưởng, bố mẹ đã yên tâm và ủng hộ mình hoàn toàn. Vậy nên, các bạn trẻ hãy cứ mạnh mẽ lựa chọn theo đuổi ước mơ và khẳng định bản thân mình với mơ ước đó.
Qua các hoạt động Vượng nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tìm được lý tưởng sống của riêng mình. |
Mình tham gia vào hoạt động tình nguyện ngay từ những năm đầu cấp 3, mình hiểu và thực sự cảm nhận được ý nghĩa của những hoạt động xã hội đã tác động đến bản thân mình như thế nào. Khi chỉ là cậu học sinh cấp 3, mình đã tham gia vào đội Thanh niên tình nguyện tại địa phương, trực tiếp trải nghiệm những hoạt động xã hội ý nghĩa như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Tư vấn tuyển sinh, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn và nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công do Đoàn Thanh niên tổ chức. Có thể nói, mình là con người trưởng thành từ những hoạt động của Đoàn. Tham gia nhiều hoạt động giúp mình phát triển thêm những kỹ năng mềm, có được nhiều mối quan hệ mới và học tập được vô vàn điều bổ ích từ những người đi trước.
Vượng cùng các Thầy, Cô và các bạn sinh viên tham gia Tư vấn Tuyển sinh 2022 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Từ một con người e dè, nhút nhát đến một chàng trai tự tin giao tiếp, thể hiện trước đám đông, từ một cậu nhóc luôn ngại ngần, trốn tránh trở thành một thanh niên không ngại khó, ngại khổ. Rõ ràng, khi tham gia các hoạt động tình nguyện, mình được nhiều hơn mất. Không chỉ tích lũy các kỹ năng, bản thân mình còn ý thức được trách nhiệm của một thanh niên với đất nước. Mình thấy tự hào khi được góp sức mình cho xã hội, thấy vui khi tuổi trẻ của mình luôn rực rỡ với màu áo xanh tình nguyện. Quan trọng nhất, qua các hoạt động mình nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tìm ra được lý tưởng sống của riêng mình.
Sở trường của bạn là gì? Điểm yếu của bạn ở đâu? Bạn thích công việc nào nhất?... Rất nhiều bạn trẻ hiện nay không trả lời được những câu hỏi trên, không hiểu rõ về chính bản thân mình thích gì, muốn làm gì và làm sao để tìm ra được những điều ấy. Mình cho rằng, muốn biết được sở trường, sở đoản, muốn hiểu rõ bản thân hãy tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động Đoàn, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Bởi qua những hoạt động đó, chúng ta mới phát hiện ra được điểm nổi bật của bản thân, rút ra được những điều còn thiếu sót để từ đó khắc phục điểm yếu và phát huy sở trường.
Vượng chia sẻ: "Quan trọng nhất, qua các hoạt động mình nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tìm ra được lý tưởng sống của riêng mình." |
Mình lựa chọn ngành Xuất bản, Báo chí cũng là nhờ qua nhiều hoạt động Đoàn. Mình thấy bản thân có khả năng trong việc thuyết trình, có năng khiếu trong việc viết lách, chụp ảnh hay khả năng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động và từ đó mình chọn ra con đường đi riêng.
“Những điều chưa trải qua, chưa được gọi là đam mê” đó là quan niệm sống của mình. Có rất nhiều bạn trẻ nói đam mê với nghề này, nghề kia nhưng khi thực sự làm thì lại nhận ra bản thân mình không phù hợp. Vậy nên đừng ngồi một chỗ, hãy làm, hãy thử sức để hiểu bản thân mình thực sự muốn gì, cần gì vì tuổi trẻ quý giá cho bạn nhiều “que test” thử nghiệm.
Ảnh: NVCC