Trong xã hội trước đây, câu nói Trong tất cả những nghề cao quý, nghề giáo là nghề cao quý nhất đã được coi là một chân lý bất di bất dịch. Với suy nghĩ này, giáo viên được xem như những người có sứ mệnh thiêng liêng, vì thế, nghề giáo được đặt lên một vị trí tôn vinh cao nhất trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, liệu quan niệm này có còn phù hợp và thậm chí có đang gây ra những áp lực vô hình không nhỏ lên đội ngũ giáo viên?
Tiết học Ngữ Văn của cô trò trường THPT Vân Cốc, Hà Nội (Ảnh: Cô Trần Kim Dung) |
Nhiều thầy cô cảm nhận rằng danh xưng “cao quý nhất” đôi khi trở thành sự phân biệt không cần thiết. Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang, giảng viên Học viện Ngoại giao, chia sẻ: “Trong từ điển, “cao quý” đối nghĩa với “thấp hèn” hoặc “ti tiện,” nên khi sử dụng lại vô tình tạo ra sự phân biệt không cần thiết giữa các nghề nghiệp. Tôi cho rằng nghề giáo là rất đáng quý, rất quan trọng.” Nghề giáo thực sự đáng quý không phải vì danh xưng, mà vì những giá trị tinh thần mà nó mang lại. Một người bác sĩ được tôn trọng vì họ duy trì sự sống và đảm bảo cho chúng ta rằng chúng ta có thể tiếp tục tồn tại về mặt thể chất. Thế nhưng chỉ tồn tại thôi thì chưa đủ, nhà giáo sẽ dẫn đường ta trả lời các câu hỏi “Ta là ai? Ta sống để làm gì?” Họ có thể giúp học sinh bồi dưỡng nội lực, xây dựng một đời sống tinh thần mạnh mẽ, để từ đó học sinh có lý do để nỗ lực và vươn lên trong cuộc sống.
Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang đang là giảng viên giảng dạy và nghiên cứu ngành truyền thông của Học viện Ngoại giao, đồng thời đang thực hiện luận án tiến sĩ tại Pháp. Tính đến nay, cô đã có bảy năm gắn bó với giáo dục, vừa dạy trên trường, vừa thực hiện nhiều dự án đổi mới giáo dục trên mạng xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Việc gán cho nghề giáo danh xưng “cao quý nhất” đã vô tình tạo ra một hình mẫu lý tưởng phi thực tế, khiến giáo viên phải gánh vác những kỳ vọng quá mức. Cái danh cao quý này đã đặt lên vai người thầy một sứ mệnh nặng nề, đòi hỏi họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải đảm nhận vai trò “người thầy mẫu mực”, “người lãnh đạo tinh thần”, và “tấm gương sáng” trong mọi hành động, từ nghề nghiệp đến cuộc sống cá nhân. Xã hội quên mất rằng giáo viên cũng là con người, với những cảm xúc, mệt mỏi và những nhu cầu cá nhân cần được tôn trọng. Thầy giáo N.V.M (Hà Nội) đã chia sẻ rằng: “Thầy cô không phải là một bậc thánh, vẫn là một con người, vẫn có sai lầm, có tham sân si. Do đó khi họ mắc phải điều gì thì cũng cần tìm hiểu sâu sắc chứ đừng phán xét tùy tiện. Cái danh “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” đã khiến họ phải làm các bậc thánh bất đắc dĩ.”
Xã hội kỳ vọng vào giáo viên là điều chính đáng, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa chỉ khi đi cùng sự hỗ trợ và thấu hiểu. Việc chỉ đổ dồn trách nhiệm giáo dục lên vai nhà trường mà bỏ qua vai trò của gia đình và xã hội sẽ khiến giáo viên quá tải. Cô Huyền Trang vừa với vai trò là một người mẹ, vừa là một nhà giáo, cô chia sẻ: “Chúng ta kỳ vọng vào thầy cô là đúng, nhưng chúng ta cũng cần tính luôn cả chính mình. Hôm nay, tôi dạy con tôi, đó là cách phối hợp với giáo viên. Tôi cũng phải tự nhận trách nhiệm trong việc giáo dục con mình, chứ không thể giao phó toàn bộ cho nhà trường. Thầy cô có vai trò dẫn dắt, định hướng, nhưng phụ huynh và xã hội cũng phải là những người đồng hành để tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện. Thực tế là, nếu xã hội chỉ biết kỳ vọng mà không đồng hành, thì chính thầy cô sẽ trở nên quá tải và khổ sở. Và điều này cũng khiến sự phát triển của trẻ em không thể hoàn thiện được, vì tất cả chúng ta đang bị ảo tưởng rằng giáo dục là trách nhiệm duy nhất của nhà trường. Giáo dục không đơn giản như vậy.”
Giảng viên Triệu Nguyễn Huyền Trang chia sẻ: “Kỳ vọng không phải là thách thức, mà là cơ hội được tin tưởng.” (Ảnh: NVCC) |
Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang cũng chia sẻ: “Với người thầy, hãy nhớ rằng chúng ta không thể trao cho người khác điều mà chính mình không có. Vậy thầy cô muốn trao cho học sinh điều gì? Muốn trao kiến thức? Vậy thì thầy cô phải có kiến thức, không chỉ là đủ, mà còn cần hiểu sâu, hiểu rộng. Muốn trao cho học sinh sự chăm chỉ và nhiệt huyết? Vậy thì thầy cô trước hết phải là người chăm chỉ và tràn đầy nhiệt huyết trong việc giảng dạy. Muốn học sinh yêu thích môn học? Thầy cô phải là người yêu thích môn học đó nhất trong lớp học.” Khi thầy cô yêu nghề, tình yêu ấy tự nhiên lan tỏa, chạm đến lòng người mà không cần gượng ép. Vì vậy, người thầy cần tự hỏi: Làm sao duy trì lối sống mẫu mực, tinh thần học vấn vững vàng? Khi đó, danh xưng không còn là áp lực hay sự trói buộc nữa, mà là lời nhắc nhở về sự cao quý của nghề, thôi thúc ta không ngừng rèn luyện và phát triển.
Ngày 20/11 là dịp để xã hội thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của các giáo viên trong sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, tôn vinh nghề giáo không chỉ dừng lại ở những lời khen ngợi. Chúng ta cần thay đổi nhận thức về nghề giáo và nâng cao giá trị của nghề trong xã hội. Mỗi nghề nghiệp đều có giá trị riêng, đóng góp quan trọng sự phát triển xã hội và không nghề nào là “nghề dễ dàng”, không nghề nào là “nghề cao quý” hơn nghề nào. Khi xã hội hiểu và hỗ trợ giáo viên đúng mức, sẽ là động lực để họ tiếp tục cống hiến và truyền cảm hứng cho những thế hệ học trò. Một cánh én không thể làm nên một mùa xuân, nhưng nó sẽ báo hiệu mùa xuân về.